Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Mạng truyền thông trong công nghiệp là gì?

Chào các bạn, hôm nay BKAII và các bạn sẽ tiếp tục cùng nhau làm rõ khái niệm cơ bản về mạng truyền thông trong công nghiệp, sự khác nhau giữa nó và mạng viễn thông, mạng máy tính. Hy vọng những thông tin sau sẽ giúp các bạn rõ ràng hơn về khái niệm của các mạng này.
Mạng truyền thông trong công nghiệp hay mạng công nghiệp là gì?
Đây là một khái niệm chung chỉ các hệ thống mạng truyền thông số, truyền bit nối tiếp, được sử dụng để ghép nối các thiết bị công nghiệp. Các hệ thống truyền thông công nghiệp phổ biến hiện nay cho phép liên kết mạng ở nhiều mức khác nhau, từ các cảm biến, cơ cấu chấp hành dưới cấp trường cho đến các máy tính điều khiển, thiết bị quan sát, máy tính điều khiển giám sát và máy tính cấp điều hành xí nghiệp, quản lý công ty.
Mạng công nghiệp và mạng viễn thông khác nhau như thế nào? 
Về cơ sở kỹ thuật, mạng công nghiệp và các hệ thống mạng viễn thông có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cũng có các điểm khác biệt sau:
  • Mạng viễn thông có phạm vi địa lý và số lượng thành viên tham gia lớn hơn rất nhiều, nên các yêu cầu kỹ thuật ( cấu trúc mạng, tốc độ truyền thông, tính năng, thời gian thực,...) rất khác, cũng như các phương pháp truyền thông ( truyền tải dải rộng/dải cơ sở, điều biến, dồn kênh, chuyển mạch,...) thường phức tạp hơn nhiều so với mạng công nghiệp.
  • Đối tượng của mạng viễn thông bao gồm cả con người và thiết bị kỹ thuật, trong đó con người đóng vai trò chủ yếu. Vì vậy, các dạng thông tin cần trao đổi bao gồm cả tiếng nói, hình ảnh, văn bản và dữ liệu. Đối tượng của mạng công nghiệp thuần túy là các thiết bị công nghiệp, nên dạng thông tin được quan tâm duy nhất là dữ liệu. Các kỹ thuật và công nghệ được dùng trong mạng viễn thông rất phong phú, trong khi kỹ thuật truyền dữ liệu theo chế độ bit nối tiếp của mạng công nghiệp
Mạng công nghiệp và mạng máy tính: giống và khác nhau ra sao?
Mạng truyền thông công nghiệp thực chất là một dạng đặc biệt của mạng máy tính, có thể so sánh với mạng máy tính thông thường ở những điểm giống và khác nhau như sau:
  • Kỹ thuật truyền thông số hay truyền thông dữ liệu là đặc trưng chung của cả 2 lĩnh vực 
  • Trong nhiều trường hợp, mạng máy tính sử dụng trong công nghiệp được coi là một phần ( ở các cấp điều khiển và giảm sát , điều hành sản xuất và quản lý công ty) trong mô hình phân cấp của mạng công nghiệp
  • Yêu cầu về tính năng thời gian thực, độ tin cậy và khả năng tương thích trong môi trường công nghiệp của mạng truyền thông công nghiệp cao hơn so với một mạng máy tính thông thường, trong khi đó mạng máy tính thông thường đòi hỏi cao hơn về độ bảo mật.
  • Mạng máy tính có phạm vi trải rộng rất khác, có thể nhỏ như mạng LAN cho một vài máy tính hoặc rất lớn như mạng internet. Trong nhiều trường hợp, mạng máy tính gián tiếp sử dụng dịch vụ truyền dữ liệu của mạng viễn thông. Trong khi đó, cho đến nay các hệ thống mạng công nghiệp thường có tính chất độc lập, phạm vi hoạt động tương đối hẹp.
Sự khác nhau trong phạm vi và mục đích sử dụng giữa các hệ thống mạng truyền thông trong công nghiệp với các hệ thống mạng viễn thông và mạng máy tính dẫn đến sự khác nhau trong các yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế. Ví dụ, do yêu cầu kết nối nhiều nền máy tính khác nhau và cho nhiều phạm vi ứng dụng khác nhau, kiến thức giao thức của mạng máy tính khác nhau phổ thông thường phức tạp hơn so với kiến trúc giao thức các mạng công nghiệp. Đối với các hệ thống truyền thông trong công nghiệp, đặc biệt là ở cấp dưới thì các yêu cầu về tính năng thời gian thực, khả năng thực hiện đơn giản , giá thành hạ lại luôn được đặt ra hàng đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét